GIẢI THÍCH  ĐỊNH ĐỀ CHÚA BA NGÔI NHIỆM CỤC LÀ CHÚA BA NGÔI NỘI TẠI CỦA KARL RAHNER

GIẢI THÍCH  ĐỊNH ĐỀ CHÚA BA NGÔI NHIỆM CỤC LÀ CHÚA BA NGÔI NỘI TẠI CỦA KARL RAHNER

 

 

Dẫn nhập

Trong phần I, chúng ta đã phân tích mối quan hệ giữa Ba Ngôi nhiệm cục và Ba Ngôi nội tại theo Karl Rahner. Trong phần thứ hai này, chúng ta sẽ đào sâu phương pháp mà Rahner đã phát triển định đề căn bản như thế nào. Nói cách khác, sự phát triển của định đề căn bản trong tác phẩm của Karl Rahner. Làm sao chúng ta có thể hiểu được rằng Ba Ngôi nhiệm cục được thể hiện trong lịch sử cứu độ? Thật vậy, trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chính Người. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả sự mặc khải của Thiên Chúa được tóm tắt trong câu này: “ Thửa xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa  đã phán dạy chúng ta qua các nhà tiên tri, các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con Ngài” (He 1:1-2). Thật vậy, “ Đức Giêsu Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã không nghĩ duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ và trở nên giống như loài người” (Pl 2, 6-7). Làm thế nào Karl Rahner phát triển định đề căn bản trong việc chỉ ra Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ tương ứng với Chúa Ba Ngôi trong chính nội tại của Ngài? Trong phần này, chúng ta sẽ thảo luận về sự phát triển của định đề cơ bản trong tác phẩm của Karl Rahner: thứ nhất, qua Nhập thể. Sau đó, chúng ta nghiên cứu bốn cặp khía cạnh của việc Thiên Chúa thông truyền  chính mình cho nhân loại. Trong đó, Chúa Cha thông ban cách tự do dưới cả hai hình thức: hình thức lịch sử và hình thức Thần Linh. Và cuối cùng, cách mà Raher thống nhất các khía cạnh khác nhau trong sự thông truyền của Thiên Chúa trong hai hình thức.

1. Nhập Thể là sự tự thông truyền của Thiên Chúa cho nhân loại.

Trong phần nhỏ này, chúng ta sẽ phân tích mầu nhiệm Nhập Thể mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào. Theo Karl Rahner, nhập thể là việc Thiên Chúa tự thông truyền cho nhân loại trong thế giới. Rahner tin rằng việc Thiên Chúa tự thông truyền trong Chúa Giêsu Kitô là khởi đầu và kết thúc lịch sử nhân loại. Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người qua và trong Đức Giêsu Kitô. Như vậy, nhân tính của Đức Kitô là Ngôi Lời trong không gian và thời gian (trong lịch sử), và con người là kết quả của việc Thiên Chúa thông ban trong lịch sử. Về điểm khởi đầu của suy tư về Chúa Ba Ngôi, Karl Rahner đã giải thích như sau:

Ngôi Lời nhập thể cho chúng ta thấy rằng “Thiên Chúa” không chỉ là ý tưởng về Thiên Chúa, hay Đấng duy nhất hay Nguyên lý của các triết gia, mà Ngài là Đấng Hằng Sống: Thiên Chúa đến để nói với chúng ta. Nếu Đức Giêsu Kitô được nhìn nhận là Ngôi Lời (Ga 1,1) hay là biểu hiện hoàn hảo và là tấm gương phản chiếu vinh quang của Chúa Cha (Dt 1,1-3), đó là vì nơi Thiên Chúa không chỉ có một sự hiệp nhất tuyệt đối, nhưng mà là một sự khác biệt, cho phép Thiên Chúa tự thông truyền bằng cách đến đảm nhận lịch sử nhân loại [1].

Từ đó, Rahner biện minh cho thần tính của Ngôi Lời bằng một nghiên cứu về ý thức của Chúa Giêsu: Người có ý thức toàn thể là Con đối với Thiên Chúa là Cha của Người, và đối với chúng ta. Theo Karl Rahner: “Chúa Giêsu biết chính mình, đối diện với Thiên Chúa mà Ngài gọi là ‘Cha’ của Ngài, trong một mối quan hệ sao cho trong mắt Ngài, mối quan hệ ấy được phân biệt với những người khác” [2]. Chúa Giêsu nói về Chúa Cha và tự giới thiệu cho chúng ta là Chúa Con. Điều này có nghĩa là mọi điều Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người đều được hoàn thành nơi Ngôi Lời Nhập Thể.

Đối với Rahner, mầu nhiệm cao cả của đức tin Kitô giáo là việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban cho nhân loại nhờ sự nhập thể của Ngôi Lời, sự sung mãn tự thông ban chính Thiên Chúa. Trong sự tự thông ban của Ba Ngôi qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa không thông ban cho điều gì khác với chính mình, điều gì mầu nhiệm, nhưng chính Ngài. Rahner chỉ ra rằng sự tự thông truyền này từ Thiên Chúa cho phép chúng ta đến gần sự hiện diện của Ngài.

Rahner tin rằng nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thông ban chính mình cho chúng ta một cách tuyệt đối và không thể đảo ngược. Hơn nữa, Karl Rahner cho thấy rằng có một mối quan hệ giữa Thiên Chúa và sự thông truyền của Ngài với chính mình. Rahner viết : “ Người Con [ngôi thứ hai] là […] sự truyền thông mà Chúa Cha tự mình thực hiện với thế giới, và điều này theo cách mà, nơi “Người Con” này, Thiên Chúa hiện diện một cách triệt để, và sự truyền thông này là chính Thiên Chúa biểu lộ cho nhân loại. Chúa Con là sự thông truyền của Chúa Cha trong khuôn khổ của lịch sử cứu độ” [3].

Thật vậy, Thiên Chúa tỏ hiện sự hiện diện của Người trong mầu nhiệm Nhập thể. Mầu nhiệm Nhập Thể là diễn tả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong Chúa Giêsu Kitô, thực tại hữu hình của Thiên Chúa được hoàn tất với sự xuất hiện nội tại. Và điều này không chỉ xảy ra khi bị đóng đinh, mà còn từ việc Nhập thể. Trong biến cố duy nhất Ngôi Lời đã trở nên xác phàm. Rahner xác định việc Thiên Chúa tự thông ban như sau: “Chuyển động siêu việt của tinh thần, hướng tới mầu nhiệm tuyệt đối trong tri thức và tự do, được chính Thiên Chúa thực hiện trong sự thông ban chính mình theo cách mà chuyển động này có mục đích và nguồn gốc của nó, chứ không phải trong mầu nhiệm thiêng liêng như một sự xa vời vĩnh cửu” [4].

Qua dân được tuyển chọn, Thiên Chúa muốn ngỏ lời với loài người hay nói cách khác, Thiên Chúa muốn mạc khải cho loài người biết rằng Ngài là Thiên Chúa tình yêu và vì yêu thương, Ngài đã dựng nên họ để họ tham dự vào sự sống thần linh của Ngài, và khi con người quay lưng lại với Ngài, Ngài không bỏ mặc con người cho sự diệt vong, Ngài vẫn trung thành với giao ước của Ngài: “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Jn 3:16). Nói cách khác, theo Karl Rahner, Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình ra cho con người qua Đức Giêsu Kitô một cách cụ thể trong cuộc nhập thể. Con Thiên Chúa đã đến thế gian làm người, sống giữa trần gian; trên hết, Thiên Chúa tỏ mình ra qua Thập Giá, qua Cái Chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Để đi xa hơn, Karl Rahner giải thích như sau:

Khi chúng ta nói rằng Chúa Con là sự tự thông truyền của Chúa Cha trong nhiệm cục cứu độ, chúng ta nói chính xác rằng, Chúa Cha đã xuất hiện bằng cách liên kết chính mình với nhân loại. Một biểu tượng như vậy sẽ chỉ có thể hình dung được với giả định rằng, Chúa Cha có thể nhập thể; nhưng đây là một giả định độc đoán, cuối cùng sẽ phá hỏng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, sự đồng nhất giữa chính Chúa Ba Ngôi và Chúa Ba Ngôi trong khuôn khổ nhiệm cục cứu độ, và sự hiểu biết mà chúng ta có về mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa bắt đầu từ lịch sử cứu độ của chúng ta [5].

Thiên Chúa là tình yêu, và “tình yêu Thiên Chúa không chỉ là một cảm giác mà còn là một hành động”. Và qua sự nhập thể của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã nói với con người như một người cha nói với con mình. Qua lời nói và việc làm của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cảm nhận được điều Thiên Chúa đang nói với con người. Nói cách khác, “trong việc nhập thể của Đức Kitô và trong Thần Khí của Người, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên tự thân với mầu nhiệm thông truyền tuyệt đối” [6]. Chính vì thế mà các tác giả Kinh Thánh đã mô tả các hành động của Chúa Giêsu bằng một hình ảnh rất cảm động: Người chạm đến những người phong cùi (x. Mc 1,41), Người kéo riêng người câm điếc ra khỏi đám đông, rồi đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, Ngài lấy nước miếng bôi vào lưỡi ( Mc 7, 33 )… Thiên Chúa đến với con người một cách cụ thể và rõ ràng. Những bữa ăn thân mật của Đức Giêsu, nhất là với những người thu thuế và tội lỗi, được hiểu như dấu chỉ của tình liên đới, nhưng “các kinh sư và người Pharisêu” đã chống lại hành động này của Chúa (Mc 2,15; x. Lc 15,2) và Đức Giêsu tỏ mình ra như Ngôi Lời của Thiên Chúa (Mc 2, 17; Lc 15, 3-32). Karl Rahner đã diễn tả điều này: “Trong Đức Giêsu, Ngôi Lời được xác định tuyệt đối như Người ở trong Thiên Chúa và như Người ở giữa chúng ta, Ngôi Lời của Ba Ngôi và là Đấng ở trung tâm nhiệm cục cứu độ” [7]. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không tước bỏ thần tính của mình, nhưng biểu lộ và chứng minh điều đó. Thánh Gioan nói: “Không ai đã từng thấy Thiên Chúa; nhưng Con Một ở trong lòng Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết ” (Ga 1:18). Trong thân phận con người, Thiên Chúa đã nhập thể nơi Đức Giêsu: “Ngôi Lời đã nhập thể làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Ngôi Lời ở giữa chúng ta là Ngôi Lời hiện hữu từ muôn đời, và từ muôn đời Ngôi Lời là chính Thiên Chúa. Do đó, không bao giờ Thiên Chúa tồn tại mà không có Logos. Nói cách khác, Thiên Chúa không thể tồn tại nếu không có Logos của Người. Chính nhờ Ngôi Lời Nhập Thể mà con người nhận được hồng ân tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa một cách mới mẻ và không thể đảo ngược. Nói một cách rõ hơn, sự Nhập thể của Chúa Kitô mở ra cho chúng ta một cửa sổ để nhìn về Chúa Ba Ngôi [8].

Chúng ta sẽ tiếp cận tư tưởng của Jürgen Moltmann để đào sâu những gì Rahner đã phát triển. Thật vậy, nơi Ngôi Lời Nhập Thể, thiên tính được biểu lộ trọn vẹn qua nhân tính, nghĩa là qua mọi hoạt động trần thế nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Người. Jürgen Moltmann đã khẳng định điều này:

Trong việc nhập thể của Chúa Con, Thiên Chúa Ba Ngôi thông ban chính mình cách trọn vẹn. Khi Chúa Con nhập thể, chính Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Trong hiện thân của Chúa Con khiêm nhường, Ngài chấp nhận toàn bộ sự tồn tại của con người bị đe dọa và sa ngã và biến nó thành một phần trong cuộc sống vĩnh cửu của mình. Khi nhập thể, Con Một trở thành trưởng tử của vô số anh chị em, […]. Nơi việc nhập thể của Chúa Con, chúng ta chứng kiến ​​một kiểu “khai mở” của Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha của Chúa Con trở thành Cha của nhân loại, mới, và tự do. Qua sự tương giao với Con, con cái Thiên Chúa bước vào mối tương quan  Ba Ngôi là Cha, Con, và Thánh Thần [9].

Việc Nhập Thể là biểu hiện cao cả nhất tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại (x. Ga 3,16). Ngôi Lời Nhập Thể cũng là sự nhập thể của Tình Yêu Thiên Chúa, vì Chúa Kitô là hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại; nhờ Người, ơn cứu độ được ban dồi dào cho mỗi người cũng như cho thế giới, cho toàn thể nhân loại. Theo Jürgen Moltmann: “Trong Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn toàn thông ban chính mình, chính Ngài thực hiện lời hứa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa” [10].

Thiên Chúa đến gặp nhân loại qua việc nhập thể của Con Ngài. Đó là lý do tại sao, “mầu nhiệm Nhập Thể  mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi một cách đáng ngưỡng mộ” [11].

Để hiểu rõ hơn những điều chúng ta đã nói, một số giải thích đã được đề xuất. Ví dụ, theo Balthasar, việc Chúa Cha tự hiến mình qua Chúa Giêsu trong sự nhập thể phản ánh một cách tương tự việc Chúa Chs trao ban chính mình qua Chúa Con từ muôn đời. Việc tự hiến này có nghĩa là Chúa Cha hiến mình hoàn toàn cho Chúa Con. Sự đáp trả hoàn toàn của Chúa Con đối với Chúa Cha cũng xảy ra từ muôn đời trong Chúa Thánh Thần, Thần Khí của cả Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiên, việc đáp trả của Chúa Con đối với Chúa Cha được thực hiện từng bước trong nhiệm cục cứu độ: bằng việc nhập thể, bằng cuộc sống trần thế, bằng cuộc khổ nạn, bằng cái chết và bằng sự phục sinh. Ở mỗi giai đoạn này, sự đáp ứng này diễn ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần luôn ở bên cạnh Chúa Giêsu và nhắc nhở Chúa Giêsu về quyết định chung mà Ba Ngôi đã thông đạt và cùng nhau quyết định từ muôn đời. Và trong thân phận của một người tôi tớ đau khổ, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh gánh lấy tội lỗi của nhân loại và xuống vực thẳm cuối cùng của sự chết bằng cách đáp lại tình yêu Chúa Cha trong tình trạng phó thác hoàn toàn cho Chúa Cha. Chúa Giêsu đã sống tình phụ tử thiêng liêng như thế trong cuộc đời của Ngài. Vì thế, “Nơi Ngôi Lời Nhập Thể, sứ mạng của Chúa Con mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa Ba Ngôi ” [12].

Tiếp theo, chúng ta tiếp cận biến cố thập giá như một thời điểm mặc khải của Chúa Ba Ngôi.

2. Thập giá đỉnh cao của mặc khải Chúa Ba Ngôi.

Tuy nhiên, với việc chọn khởi đi từ lịch sử cứu độ, dường như Rahner chỉ nhấn mạnh đến biến cố nhập thể mà quên biến cố thập giá, cũng là một trong những biến cố quan trọng của mầu nhiệm cứu độ. Đây là lý do tại sao chúng ta bắt đầu phần nhỏ này bằng cách chỉ ra cách Rahner trình bày về Chúa Ba Ngôi từ Thập tự giá, sau đó chúng ta hoàn thành nó với phần trình bày của Moltmann.

Mầu nhiệm thập giá mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào. Khác với các nhà thần học khác, chẳng hạn như Jürgen Moltmann, Karl Barth và Hans Urs von Balthasar, những người nhấn mạnh đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Rahner cố gắng nhìn lịch sử nhân loại như là sự thông truyền của Thiên Chúa, được mặc khải trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời. Tuy nhiên, Karl Rahner cũng cho thấy rằng thập tự giá là biểu hiện kỳ ​​diệu của đời sống nội tại của Thiên Chúa và mặc khải sự phục sinh trong cuộc sống trần thế của người tín hữu. Trên thập giá, Con Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao mặc khải của Thiên Chúa. Trên thập tự giá, Lời Ngài đã được ứng nghiệm. Đối với Karl Rahner, Thiên Chúa Ba Ngôi, sau một quyết định tự do, Người đến gặp gỡ loài người và tỏ mình cho họ qua Chúa Kitô, và triệt để qua cái chết của Chúa Kitô, nơi Người tự hiến mình vì tình yêu. Điều đó cũng có nghĩa là, trên thập giá, Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục và thuộc về Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con trong chương trình sáng tạo và cứu độ được hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đích thực mạc khải cho nhân loại Chúa Cha và Chúa Con. Như thế, trên thập giá, trong đỉnh cao của tình yêu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong sự phục vụ, hy sinh và trọn lành. Theo Rahner, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá phải được coi như cái chết của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn bất biến, nhưng qua việc nhập thể, Người đã bộc lộ trọn vẹn tình yêu của Người đối với nhân loại. Karl Rahner giải thích: “ Trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, nơi mà một mình Thiên Chúa đến để gặp gỡ chúng ta, bởi vì Thiên Chúa đã tự hiến mình. Bởi tình yêu và giống như tình yêu, và điều này đã được nhận ra bằng cái chết của Ngài và biểu lộ trong đó. Cái chết của Chúa Giêsu là  sự tự bày tỏ Thiên Chúa trao ban chính mình ngài” [13].

Nếu các nhà thần học khác nói về thập giá, thì Karl Rahner thêm vào suy tư của mình chiều kích Ba Ngôi.

Để hoàn thành các giới hạn của suy tư này, chúng ta dưa ra một cách giải thích về thập tự giá của Moltmann để đi sâu vào các khía cạnh khác của câu hỏi này. Moltmann viết : “ […] làm sao một Thiên Chúa bất diệt lại đồng thời là một con người dễ hư nát? Làm sao Thiên Chúa củ toàn vũ trụ lại có thể đồng thời là một cá nhân? Làm sao Thiên Chúa “bất biến” có thể “trở nên” xác thịt? Làm sao Thiên Chúa bất tử có thể chịu đau khổ và chết trên thập tự giá?” [14].

Theo J. Moltmann, qua thập giá, toàn bộ Ba Ngôi được mặc khải;  thập giá mặc khải mối tương quan của Chúa Cha với Chúa Con, sự đón nhận Thần Khí từ Chúa Cha. Giải thích theo thuật ngữ Ba Ngôi, trên thập giá: “Chúa Cha để Chúa Con hy sinh chính mình nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Cha là tình yêu đóng đinh, Chúa Con là tình yêu bị đóng đinh và Chúa Thánh Thần là sức mạnh bất khả chiến bại của thập giá” [15]. Moltmann tin rằng đỉnh cao của việc bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa là ở thập giá của Chúa Giêsu. Moltmann lập luận rằng trung tâm của thần học Kitô giáo phải là mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi trong thập giá của Chúa Giêsu Kitô. “Thập giá được đặt ở trung tâm của Chúa Ba Ngôi” [16]. Đây là biến cố Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra.

Thập giá cho thấy thời điểm cực đoan nhất sự phân chia của các ngôi vị thần linh. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm đó cho thấy sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ở đó, Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra. Thiên Chúa không chỉ hành động bên ngoài, mà còn hành động bên trong trong chính mình Ngài. Nói cách khác, nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa chịu đau khổ nơi chính mình. Moltmann giải thích rõ hơn:

Trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Con, chính Chúa Cha là người bị bỏ rơi. Trong cái chết của Chúa Con, cái chết cũng rơi xuống trên chính Chúa Cha và Người đã chịu cái chết của Con mình vì tình yêu dành cho Người Con bị bỏ rơi. Vì thế, biến cố xảy ra trên thập giá phải được hiểu là biến cố giữa Thiên Chúa và Con Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra trong việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi, cũng như trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người [17].

Tuy nhiên, khi nói những điều trên, Moltmann cũng chỉ ra rằng, khi nói “Thiên Chúa đau khổ”, chúng ta không thể hiểu Ngài theo cách nói giảm, nói tránh, mà phải hiểu Ngài theo nghĩa Ba Ngôi. Vì khi Chúa Con chịu đau khổ và chết trên thập tự giá, Chúa Cha cũng chịu đau khổ với Chúa Con, nhưng không cùng một một cách. Chính ở điểm này, Moltmann tự cho mình khác với Karl Barth và Karl Rahner. Vì ông cho rằng hai nhà thần học này không nhấn mạnh và không phân biệt đủ ở đây chiều kích Chúa Ba Ngôi. Do đó, Moltmann thấy cần phải phân biệt Chúa Ba Ngôi với thập giá. Và đó là một nghịch lý, bởi vì một mặt Thiên Chúa chết trên thập tự giá, nhưng mặt khác Thiên Chúa không chết. Điều này chỉ có thể được hiểu một cách ẩn dụ. Nói cách khác, Thiên Chúa không chỉ siêu việt mà còn nội tại. Do đó, Moltmann không hiểu nỗi đau khổ của Chúa theo quan điểm của “chủ nghĩa gia trưởng”. Vì cho dù Chúa Cha có đau khổ, thì sự đau khổ của Chúa Cha trong cái chết của Chúa Con khác với đau khổ và cái chết của Chúa Con bị Chúa Cha bỏ rơi. Tương tự, Moltmann cũng không đồng ý với “thuyết théopaschisme”, coi cái chết của Chúa Giê-su là cái chết của Thiên Chúa [18].

Ngoài ra, theo Moltmann, cái chết của Chúa Giêsu  trên thập tự giá là một sự kiện của Chúa Ba Ngôi trước khi nó được nhìn nhận là quan trọng đối với sự cứu rỗi của thế giới. Theo nghĩa này, trước khi biến cố thập giá cho thấy giá trị cứu độ của nó, nó đã là mạc khải về chính Thiên Chúa Ba Ngôi và về “périchorèse ” [19]của các ngôi vị trong Thiên Chúa. Hơn nữa, cũng trong biến cố thập giá, Moltmann chỉ trích những người quá coi trọng hai bản tính của Chúa Giêsu và không cắt nghĩa biến cố thập giá. Đối với Moltmann, biến cố thập giá phải được hiểu theo bản tính của Thiên Chúa, cả về Ba Ngôi lẫn ngôi vị. Ở đó, chiều kích ngôi vị của Chúa Giêsu phải được hiểu trong sự trọn vẹn của Chúa Con nhập thể, chứ không chỉ theo bản chất con người. Đồng thời, biến cố thập giá của Chúa Con là mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, thập giá mặc khải một mầu nhiệm không thể giải thích được, vì sự khiêm nhường của Thiên Chúa và sự tự hủy của Ngài. Nói một cách rõ ràng hơn, ý nghĩa thập giá của Con Thiên Chúa tại đồi Canvê chạm đến chính nội tại của Chúa Ba Ngôi [20]. Và Ba Ngôi nội tại chỉ trở nên hoàn hảo trên thập giá.

Moltmann bắt đầu từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cho thấy sự tham dự của Chúa Ba Ngôi vào đau khổ. Thật vậy, Moltmann lập luận rằng các Giáo phụ chỉ nhận ra hai khả năng: hoặc Thiên Chúa không có khả năng chịu đau khổ, hoặc Ngài hoàn toàn phụ thuộc vào đau khổ. Ở đây Moltmann gợi ý khả năng thứ ba, đó là sự đau khổ của tình yêu say đắm trong Thiên Chúa. Với tình yêu này, Thiên Chúa sẵn lòng mở lòng đón nhận các thụ tạo khác và cho phép họ ảnh hưởng đến Người [21]. Vì vậy, trong khi siêu hình học hữu thần khẳng định rằng Thiên Chúa không thể bị ảnh hưởng bởi các đối tượng của Tình yêu, nghĩa là những đối tượng này không phải là nguyên nhân gây ra đau khổ hay niềm vui của Thiên Chúa. Moltmann lập luận rằng nếu Thiên Chúa không đau khổ như các sinh vật đau khổ vì sự không hoàn hảo của chúng, thì Thiên Chúa hoàn toàn tự do và có thể sẵn sàng tham gia vào đau khổ. Ngài yêu bằng tất cả con người mình, và Ngài có thể đau khổ vì tình yêu dồi dào của mình. Nói cách khác, sự đau khổ của Thiên Chúa không diễn tả sự bất toàn của hữu thể Thiên Chúa mà đúng hơn, nó đến từ sự viên mãn của hữu thể Thiên Chúa. Trong tình yêu và sự viên mãn của bản thể mình, Ba Ngôi thể hiện sự hiệp thông liên đới trong đau khổ. Đó là sự đau khổ tích cực mà Thiên Chúa sẵn sàng “mở ra” cho người khác chạm đến và ảnh hưởng đến Ngài. Hơn nữa, theo Moltmann, nếu Thiên Chúa không thể mở lòng để cho người khác ảnh hưởng đến mình, thì Ngài cũng không có khả năng yêu thương [22].

Hơn nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu nên tình yêu không bao giờ đơn độc. Trong tình yêu luôn có người yêu và đối tượng yêu. Và theo Moltmann, bản chất của tình yêu là có đi có lại, hỗ trợ nhau. Trong tình yêu hỗ tương này, Chúa Cha chịu đựng trong tình yêu của mình nỗi đau và cái chết của Chúa Con. Con đã tự nguyện xả thân vì tình yêu. Như vậy, tính năng động của tình yêu giữa các ngôi vị thần linh tự biểu lộ trong biến cố thập giá này. Đó là một sự kiện cho thấy mối quan hệ giữa các ngôi vị trong Thiên Chúa. Có một ý chí và một món quà lẫn nhau vì tình yêu. Như vậy, nếu Thiên Chúa đau khổ vì tình yêu thì không có gì mâu thuẫn với bản tính của Người. Thật vậy, dựa vào Kinh thánh ( Gal 2, 20), Moltmann cho thấy Chúa Cha và Chúa Con là những tác nhân tích cực trong biến cố thập giá. Người Con kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Chúa bỏ rơi con? (Mc 15, 34). Tiếng kêu này, theo Moltmann, cho thấy chính Thiên Chúa trên thập tự giá. Chúa Giêsu không chỉ là nạn nhân, mà còn là Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa đã chịu đau khổ và chết cách vô tội. Chúa Cha đau khổ khi thấy Con mình chịu đau khổ và chết. Đây là lý do tại sao Moltmann viết: “Chúa Con đau khổ về cái chết, và Chúa Cha đau khổ về cái chết của Chúa Con” [23].

          Moltmann còn đi xa hơn khi khẳng định: “Sự hiện hữu của Thiên Chúa ở trong đau khổ và đau khổ ở trong chính sự hiện hữu của Thiên Chúa” [24]. Theo nghĩa này, Moltmann lập luận rằng câu hỏi về Thiên Chúa và vấn đề đau khổ là không thể tách rời. Như vậy, ta có thể hiểu biến cố thập giá là biến cố Thiên Chúa đã không tiếc Con Một của mình ( Rm 8,32) cũng có nghĩa là Thiên Chúa đã không tiếc chính mình. Người Con đau khổ vì tình yêu đã bị Chúa Cha bỏ rơi khi chết trên thập giá. Chúa Cha đau khổ trong tình yêu trước cái chết của Chúa Con. Chúa Thánh Thần hoạt động trong sự phó thác và tự hiến của Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, khi Chúa Con từ bỏ, Chúa Cha cũng từ bỏ chính mình. Moltmann viết :

Chúa Cha đau khổ về sự chết của Chúa Con. Đây là lý do tại sao cái chết của Chúa Con tương ứng với nỗi đau của Chúa Cha. Và nếu Chúa Con mất Chúa Cha trong cuộc tử nạn, thì Chúa Cha cũng mất Chúa Con trong cuộc phán xét này. Ở đây chính sự sống mật thiết nhất của Chúa Ba Ngôi bị lâm nguy, ở đây tình yêu của Chúa Cha được thông ban trở thành nỗi đau vô biên của sự hy sinh của Chúa Con. Ở đây, tình yêu do Chúa Con thể hiện trở thành nỗi đau vô hạn khi bị Chúa Cha từ chối và bỏ rơi. Những gì diễn ra tại Golgotha ​​đạt đến tận cùng chiều sâu của thần tính và do đó đánh dấu sự sống vĩnh cửu của Chúa Ba Ngôi [25].

Nói cách khác, theo Moltmann, đau khổ và tình yêu được liên kết với nhau, thậm chí đồng nhất với nhau. Và đối với Moltmann, chính nhờ tương quan yêu thương với thập giá Chúa Giêsu mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính xác hơn, biến cố thập giá cho thấy Thiên Chúa Ba Ngôi diễn tả sự hiện hữu của mình như tình yêu tự hiến. Chúa Cha đau khổ với Con mình trong tình yêu. Nói cách khác, chính trong tình yêu mà Thiên Chúa đã chia sẻ đau khổ thập giá của Chúa Con. Và như thế Thiên Chúa cũng đau khổ với Chúa Con. Moltman viết:

Khi bỏ rơi Chúa Con, Chúa Cha cũng bỏ rơi chính mình. Bằng cách giải cứu Chúa Con, Chúa Cha cũng giải cứu chính mình, mặc dù không thể làm như vậy. Chúa Giêsu đau khổ trước cái chết bị bỏ rơi, nhưng Người không chịu đau khổ bởi chính cái chết, đau khổ đối lập với sự sống. Nhưng Chúa Cha, Đấng đã bỏ rơi Người và giải thoát Người, đã chịu đựng cái chết của Người Con trong sự ngọt ngào vô biên của tình yêu. Những đau khổ của Chúa Kitô đi kèm với những đau khổ của Chúa Cha nhưng cũng của Chúa Thánh Thần [26].

Tóm lại, theo Moltmann, để hiểu được sự đau khổ của Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu tầm quan trọng của cái chết của Chúa Giêsu đối với chính Thiên Chúa. Ở đó, biến cố thập giá trở thành biến cố mặc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trên thập giá, sự phân chia và hiệp nhất được tìm thấy trong các mối liên  hệ của Ba Ngôi nội tại [27]

Và để hiểu khái niệm về sự tự thông truyền từ Thiên Chúa đến nhân loại, chúng ta bắt đầu bằng cách nghiên cứu bốn cặp khía cạnh của việc Thiên Chúa tự thông truyền.

3. Bốn cặp khía cạnh diễn tả sự tự thông truyền của Thiên Chúa.

Để phát triển điểm khởi đầu, Karl Rahner nghiên cứu bốn cặp khía cạnh của sự thông truyền của Thiên Chúa: 1) nguồn gốc-tương lai; 2) lịch sử – siêu việt; 3) quà tặng – chấp nhận; 4) tri thức – tình yêu.

Một khía cạnh đầu tiên của sự thông truyền của Thiên Chúa tương ứng với con người là nguồn gốc, bởi vì sự thông truyền của Thiên Chúa tạo ra và sáng tạo  con người như chúng ta nói, và tương lai bởi vì sự thông truyền này mà Thiên Chúa tự trao ban để con người tiếp nhận hướng tới sự sung mãn của mình sẽ được thực hiện trong tương lai, tuy không định trước nhưng qua lịch sử hiện tại. Rahner viết:

Trước hết, một đối tượng phải được cấu thành để có thể giải quyết một sự thông truyền khả dĩ từ Thiên Chúa, và điều này nằm trong khuôn khổ và do ý chí thiêng liêng quyết định nó. Sau đó, nó là một sự khởi đầu (một nguồn gốc) kéo dài về phía tương lai (sự thông truyền thiêng liêng trọn vẹn), nhưng tương lai này không được hình dung như một sự tiến hóa đơn giản của sự khởi đầu, bởi vì bất kỳ sự khởi đầu nào cũng mang mầm mống của tương lai, trong trường hợp của chúng ta, điều này đại diện, liên quan đến sự khởi đầu, một yếu tố của sự mới lạ triệt để, được tách biệt khỏi nó bởi một lịch sử xác thực mở ra dưới biểu hiệu của sự tự do [28].

Cặp khía cạnh thứ hai là lịch sử, bởi vì sự thông truyền của Thiên Chúa diễn ra trong thế giới bởi không gian và thời gian, và siêu việt, bởi vì sự thông truyền của Thiên Chúa là chân trời nơi con người nhận được sự thông truyền này thông qua các hành vi tri thức và tình yêu đối với các đối tượng cụ thể. Rahner giải thích như sau: “ Dù sao đi nữa, chúng ta có thể nói rằng, trong giả thuyết về một sự tự thông truyền từ Thiên Chúa đế đến con người, một hữu thể bị ném vào lịch sử và vẫn đang trong quá trình trở thành, điều này chỉ có thể xảy ra dưới dấu hiệu kép, đặc trưng của con người (nhưng dẫn đến trong một thể thống nhất), của lịch sử và của siêu việt” [29].

Cặp khía cạnh thứ ba là quà tặng, bởi vì sự thông truyền từ Thiên Chúa mời gọi con người tự do chấp nhận nó, và sự chấp nhận, bởi vì sự thông truyền tốt đẹp mà Thiên Chúa tự trao ban không thể được con người chấp nhận chỉ bởi sức mạnh mà ngài ban cho. Theo Rahner: “ Món quà và sự chấp nhận. Sự phân biệt như vậy hoàn toàn không trái với ý tưởng rằng chính việc chấp nhận một sự truyền đạt từ Thiên Chúa, bởi vì đó là vấn đề tự do, là một yếu tố của sự truyền đạt này. Bởi vì Thiên Chúa tự hiến mình theo cách thức của ngài, cho phép chúng ta tự do đón nhận món quà mà chính ngài dành cho chúng ta” [30].

Cặp khía cạnh thứ tư là tri thức (tức là động lực của sự thật trong hành động vật chất), bởi vì sự tự truyền đạt của Thiên Chúa xuất hiện với con người như một sự thật tuyệt đối cần được biết chứ không chỉ là những sự thật cụ thể, và tình yêu, bởi vì bản thân – sự thông truyền của Thiên Chúa xuất hiện đối với con người như là điều tốt đẹp tuyệt đối để yêu thương. “Vì vậy, Thiên Chúa, nếu hiến mình cho con người, thì chỉ có thể thực hiện điều đó thông qua việc thông truyền chân lý tuyệt đối, và do đó là tình yêu tuyệt đối đối với con người”. Rahner chỉ ra rằng: “ Tri thức và tình yêu, quá trình của sự thật và nhận ra tình yêu. Tuy nhiên, chắc chắn rằng điều này cũng phải mô tả đặc điểm của sự thông truyền mà Thiên Chúa tạo ra cho chính chúng ta, nếu điều này là có thật và muốn được hoàn toàn thực hiện. Trên thực tế, tri thức không thể bằng lòng với việc đắm chìm trong những suy đoán trừu tượng. Chính trong các hành động tham gia toàn thể mà cuối cùng nó tìm thấy sự viên mãn của mình” [31].

4. Chúa Cha tự thông truyền chính mình qua lịch sử và thần khí.

Rahner muốn nói về Chúa Ba Ngôi như chúng ta cảm nghiệm được trong lịch sử, tức là Ba Ngôi ngoại tại của Thiên Chúa Cha thông truyền dưới hai hình thức là chân lý và tình yêu, hay còn gọi là Ngôi Lời và Thần Khí. Nó cho chúng ta thấy rằng, chỉ bắt đầu từ quan điểm đức tin, các Kitô hữu mới có thể khẳng định rằng Thiên Chúa đã đến rất gần với nhân loại, đã mặc lấy một sự hiện hữu trong lịch sử nhờ “Ngôi Lời” và Người đã tự hiến mình như là “Ân Sủng” cho chúng ta. Thật vậy, đức tin Kitô giáo nhắc nhở chúng ta hành động tự thông truyền này của Thiên Chúa trong sự hiểu biết và tình yêu qua mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Rahner coi những hành vi hiểu biết và yêu thương của con người giống như hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa ở trong thế giới và trong lịch sử. Theo nghĩa này, thần học Ba Ngôi của Rahner là một thần học bắt đầu từ bên dưới, tức là từ những kinh nghiệm cụ thể của chúng ta trong lịch sử và từ Thần Khí [32].

Theo truyền thống Kinh thánh và các Giáo phụ Hy Lạp, Rahner đã sử dụng từ “Thiên Chúa” để chỉ Chúa Cha. Chúa Cha thông ban chính mình trong lịch sử bằng Ngôi Lời và Thần khí, trong khi Người vẫn là nguyên lý của thần tính hay của Mầu Nhiệm Tuyệt Đối. Theo Rahner, thách thức thần học là hiểu hai hình thức ban cho này từ chính Thiên Chúa như những khoảnh khắc liên kết nội tại, nhưng khác biệt với hành động tự thông truyền của Chúa Cha. Hai hình thức này, được trải nghiệm trong lịch sử như hai sự kiện riêng biệt, không nên coi là hai sự kiện hoàn toàn trùng hợp nhưng không liên quan. Nếu vậy, chúng có thể hoán đổi cho nhau, có nghĩa là nếu vậy, Thần khí cũng có thể nhập thể trong Lời, và Lời có thể được ban cho như Thần khí. Nếu là trường hợp này, Chúa Ba Ngôi nhiệm cục thực sự không thể cho chúng ta biết gì về Chúa Ba Ngôi nội tại. Hơn nữa, theo Rahner:

Sự thông truyền mà một vị Thiên Chúa có ngôi vị và tự do tạo được tạo ra từ chính mình, và Đấng có ý định tự hiến mình như một “ngôi vị” (theo nghĩa mà từ này có trong ngôn ngữ hiện tại), để tiếp nhận nó, phải là một chủ thể có tính cách cá nhân. Và đây không chỉ là một câu hỏi thực tế đơn giản; đúng hơn, chính bản chất tự thông truyền của Thiên Chúa đòi hỏi nó phải như vậy. Nếu Thiên Chúa tự do quyết định ra khỏi chính mình, thì Ngài phải tạo ra con người. Rằng Ngài phải tạo ra một sinh vật có tính cách tâm linh và cá nhân, rằng chỉ một sinh vật như vậy mới có thể có “sức mạnh ngoan ngoãn” cần thiết để nhận được sự thông truyền từ Chúa, chúng ta không cần phải bàn đến ở đây [33].

Đối với Rahner, khi Thiên Chúa ra khỏi chính mình bằng cách thông ban chính mình chứ không chỉ bằng sự sáng tạo, thì Ngài là và phải là Chúa Con, Đấng xuất hiện trong lịch sử, bằng xương bằng thịt như một con người. Và phải là Chúa Thánh Thần, Đấng mang ra khỏi thế giới (tạo vật) đức tin, đức cậy và đức mến của sự tự thông ban này. Cần lưu ý rằng hành động thôngtruyeenf từ Chúa Cha là nhưng không, nhưng các hình thức giao tiếp này là cần thiết. Hai hình thức này không chỉ đơn giản là hai “vai trò” có thể hoán đổi cho nhau của Chúa Cha, nhưng chúng cùng với Chúa Cha tạo thành Ba Ngôi nhiệm cục đồng nhất với Ba Ngôi nội tại. Theo Rahner, việc Thiên Chúa tự thông truyền xảy ra trong sự thống nhất và khác biệt trong lịch sử (chân lý) và trong Thần khí ( tình yêu). Rahner viết : “Sự thông truyền mà Thiên Chúa dành cho chúng ta về chính Ngài vừa là dấu hiệu của sự thống nhất vừa là sự khác biệt, bởi vì nó có hai chiều kích: chiều kích của lịch sử (cho phép nó được coi là sự thật), và chiều kích của Thần Khí (cho phép nó được coi là tình yêu). Hai phương thức cơ bản này ảnh hưởng lẫn nhau” [34].

5. Sự hợp nhất các khía cạnh trong hai hình thức tự thông truyền của Thiên Chúa.

Bước tiếp theo của Rahner là trình bày về bốn cặp khía cạnh của sự tự thông truyền từ Thiên Chúa đến con người. Mục đích của Rahner là chỉ ra rằng có một sự thống nhất giữa bốn cặp khía cạnh và rằng có hai và chỉ hai cách thức cơ bản của sự tự thông truyền về Thiên Chúa, chúng khác biệt và có điều kiện phụ thuộc vào nhau. Chúng có thể được hiểu về mặt khái niệm và phân biệt với các khía cạnh khác.

Hơn nữa, Rahner lập luận, có sự thống nhất giữa ba khía cạnh đầu tiên, tức là “nguồn gốc – lịch sử – quà tặng” là điều hiển nhiên theo một cách nào đó. Một đàng, “nguồn gốc” và “quà tặng” được thiết lập do ý muốn của Thiên Chúa để tự thông ban cho nhân loại. Mặt khác, “lịch sử” thể hiện như là sự truyền đạt của Thiên Chúa được người nhận tự do chấp nhận hoặc từ chối. Rahner viết : “Nguồn gốc của mọi thực tại phi thần linh, và của lịch sử nó, là ý muốn của Thiên Chúa đề xuất việc thông truyền chính mình, bản chất của thế giới lịch sử là chủ thể có khả năng tự do đón nhận thông truyền đó của Thiên Chúa. Quà tặng , được tạo thành bởi Thiên Chúa, và trao ban chính mình, đó là nguồn gốc của thế giới và của lịch sử, đó là ý tưởng cơ bản để phác thảo một thế giới mà trong đó sẽ có một lịch sử” [35].

Làm sao biết được sự thật như một khoảnh khắc thông truyền mà Thiên Chúa tự tạo ra, và mối liên hệ của nó với bộ ba “nguồn gốc – lịch sử – quà tặng”? Rahner lập luận rằng mối liên hệ này sẽ dễ dàng được nhìn thấy nếu sự thật không được hiểu chủ yếu như một sự hiểu biết về một trạng thái thực sự của sự việc trong một phán đoán (sự thật là sự trùng hợp giữa nhận thức, tri thức và thực tế) mà là một hành động mặc khải đích thực về bản chất thực sự của nó ( sự thật như biểu hiện). Sự thật được hiểu là sự trung thành, thuật ngữ “Emeth” trong Kinh thánh có thể được coi là có liên quan đến “nguồn gốc-lịch sử-quà tặng”, bởi vì chính trong bộ ba này, sự thật được coi là sự trung tín của Thiên Chúa, với những lời hứa của Ngài đối với nhân loại. Rahner giải thích như sau: “ Do đó, chúng ta hiểu rằng quá trình Thiên Chúa thông ban chính mình, bởi vì nó có nguồn gốc, lịch sử và các đặc tính của một quà tặng, nên có đặc tính của sự thật. Sự minh bạch về sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự thông truyền mà Người dành cho chúng ta về chính Người là sự thật: nó diễn ra dưới hình thức một quà tặng trung thực, tự nó có một khởi đầu và có một sự nhất quán dứt khoát trong cơ cấu cụ thể của lịch sử” [36].

Khi nói đến bốn khía cạnh của “ tương lai – siêu việt – đón nhận – tình yêu”, Rahner lập luận, tương đối dễ dàng nhận thấy sự kết hợp giữa “tương lai và siêu việt”. “Tương lai” ở đây ám chỉ chính Thiên Chúa, Đấng mà sự thông truyền cá nhân của Ngài dường như là thành quả của nhân loại. Một đàng, Thiên Chúa với tư cách là tương lai mời gọi con người “siêu việt hóa”, cả hai đều mở ra cho khả thể tuyệt đối của tương lai và cho việc Thiên Chúa thông ban cho con người trong lịch sử. Hơn nữa, vì việc Thiên Chúa tự thông truyền một cách vô điều kiện theo ý muốn của Ngài, nên nó mang theo nó “sự đón nhận” như một hành động được ban cho bởi quyền năng của Thiên Chúa, ngay cả khi không xâm phạm quyền tự do của con người. Cuối cùng, “đón nhận – siêu việt –  tương lai” được hiểu như là “tình yêu”, bởi vì tương lai mà con người nhận được siêu việt này là tuyệt đối, khi sự thông truyền  tình yêu trao tặng  và được đón nhận. Nhưng đó là món quà hoàn toàn được trao tặng và đón nhận một cách tự do, của một con người: do đó, có lý do chính đáng để nói về tình yêu.

Ở đây, khởi điểm suy tư của Rahner có hai mặt. Một mặt, Rahner muốn thể hiện sự thống nhất của nhóm thứ nhất trên bốn phương diện, tức là “nguồn gốc – lịch sử – quà tặng – tri thức” cũng là sự thống nhất của nhóm bốn phương diện thứ hai, tức là “tương lai – siêu việt – đón nhận – tình yêu”. Mặt khác, Rahner cũng muốn chỉ ra rằng hai cặp khía cạnh này trong sự thông truyền cá vị của Thiên Chúa là khác biệt nhưng không tách biệt và chúng ảnh hưởng lẫn nhau. Như vậy, xét cho cùng, việc Thiên Chúa thông ban chính mình xảy ra với hai cặp khía cạnh. Cặp khía cạnh đầu tiên trong bốn cặp khía cạnh có thể được tóm tắt là “lịch sử” hoặc “sự thật”, và cặp khía cạnh thứ hai trong bốn khía cạnh là ” thần khí” hoặc “tình yêu”.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, Rahner đã mô tả Chúa Ba Ngôi như chúng ta cảm nghiệm được trong lich sử, tức là Ba Ngôi nhiệm cục của Thiên Chúa Cha thông truyền dưới hai hình thức chân lý và tình yêu, hay Ngôi Lời và Thần Khí. Câu hỏi đặt ra là liệu Ba Ngôi nhiệm cục có được đồng hóa với Ba Ngôi nội tại hay không. Điểm này, Rahner nhắc nhở chúng ta, Chúa Ba Ngôi nội tại không thể được chứng minh bằng những lập luận hợp lý. Thay vào đó, nó đòi hỏi khả năng diễn dịch siêu nghiệm, nghĩa là, từ kinh nghiệm hậu nghiệm, chúng ta học được điều kiện tiên nghiệm về khả năng của kinh nghiệm đó. Ở đây, Rahner lập luận rằng, dựa trên dữ liệu về sự thông truyền cá vị  từ Thiên Chúa dưới hai hình thức, mà chúng ta trải nghiệm trong lịch sử và ý thức được rằng, thông qua sự mặc khải, thì có thể và cần thiết để suy tư từ Ba Ngôi nhiệm cục sang Ba Ngôi nội tại.  Nếu không thì sự thông truyền này từ Thiên Chúa sẽ không phải là một sự tự thông truyền  từ chính mình.

Kết luận

Để kết thúc phần thứ hai này, chúng ta có thể nói rằng mọi điều chúng ta biết về Chúa Ba Ngôi nội tại đều đến với chúng ta từ Chúa Ba Ngôi nhiệm cục. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của chúng ta qua Ngôi Lời Nhập Thể và Ngài đã cho chúng ta biết Ngài qua việc chia sẻ Thánh Thần của Ngài. Ngôi Lời Nhập Thể mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa trong ba ngôi vị: Chúa Cha là nguồn mạch của thần tính, nguyên lý không nguyên lý; Chúa Con là nguồn cứu độ, được sinh ra chứ không phải được tạo thành; Chúa Thánh Thần là nguồn thánh hóa; Ngài không được sinh ra cũng không được tạo ra, nhưng xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Qua lịch sử cứu độ, có một Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chính Thiên Chúa và nhờ hành động cứu độ của mình, chính Thiên Chúa trở thành Ba Ngôi, nghĩa là Ba Ngôi vị.

Trong hai hình thức chân lý và tình yêu, hay lịch sử và Thần Khí, Rahner cho chúng ta thấy Chúa Cha thông ban chính mình cho nhân loại. Và từ hai hình thức của Ngài, chúng ta có thể tham gia vào sự thông truyền mà Thiên Chúa trao ban chính mình Ngài. Những gì Chúa Giê-su làm và hoàn thành trong nhân tính của ngài không có mục đích nào khác hơn là trở thành sự cứu độ của chúng ta; nó tiết lộ cho chúng ta bản thân Logos là gì. Việc nhập thể được biểu lộ bằng trong sự bảo đảm  này: tất cả điều này mặc khải Chúa Con là ai, chính Người mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là ai, “Philipphê, ai đã thấy Thầy là đã thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Mặc dù thần học Chúa Ba Ngôi của Rahner chủ yếu bắt nguồn từ Kinh thánh, các Giáo phụ Hy Lạp và linh đạo Kitô giáo, nhưng nó vẫn đúng với định đề của nó trong việc chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa việc tự thông truyền của Thiên Chúa với việc nhập thể. Vì theo Rahner, con người đích thực là tinh thần trên thế giới. Con người cần vượt lên chính mình, bằng những hành vi hiểu biết, tự do, hướng tới chân trời chân lý và tình yêu vô biên và vô tận, mà Rahner gọi là mầu nhiệm thiêng liêng hay Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì là “ở thế gian” nên con người chỉ có thể thực hiện những hành vi vượt lên trên chính mình bằng tri thức và tình thương trong lịch sử, trong thời gian và không gian, do đó Thiên Chúa được tự do chọn lựa nói lên tất cả, nhưng Thiên Chúa không thể chọn lựa nào khác hơn là trong và thông qua các sự kiện lịch sử. Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra không phải như một vị thần xa xôi, nhưng như Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ngự trong lịch sử nhân loại. Trong phần sau, chúng ta sẽ đào sâu diễn ngôn về thần học Ba Ngôi bắt đầu từ Chúa Ba Ngôi nhiệm cục cứu độ theo Karl Rahner ( Còn tiếp ).

                                                                                 Linh mục. Giuse Phan Cảnh

                                                                ĐCV Phaolô Lê Bảo Tịnh – Thanh Hóa.

 

Chú thích:

[1] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 7-8.

[2] Ibid, p.73.

[3] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 74. Cité par  David DOUYÈRE, « L’Incarnation comme communication, ou l’auto-communication de Dieu en régime chrétien », Question de communication, 23, 2013, p. 42.

[4] Karl RAHNER, Traité fondamental de foi, Paris, Centurion, 1983, p.154.

Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 74.

[5] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 55.

[6] Ibid., p. 40.

[7] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 35.

[8] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p.155-156.

[9] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 155.

[10] André-Marie PONNOU-DELAFFON,  « Incarnation et Trinité », Nouvelle Revue Théologique, 127-3, 2005, p. 427.

[11] S. PONGA, « La Dramatique trinitaire de la révélation et du salut chez  H.U. von Bathasar », Nouvelle Revue Théologique, 124, 2002, p. 549.

[12] Karl RAHNER, Sacramentum Mundi II, Fribourg, 1968, p. 951, cité par Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié, Paris, Cerf, 1999, p. 227.

[13] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié, Paris, Cerf, 1999, p. 103-104.

[14] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 110.

[15] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 110.

[16] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu Crucifié, La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei » , 80,  Paris, Cerf, 1974, p. 205.

[17] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu Crucifié, La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei » , 80,  Paris, Cerf, 1974, p. 243.

Mối liên hệ giữa các ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi.

[18] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei », 123, Paris, Cerf, 1984, p. 202-203.

[19] Ibid., p. 203.

[20] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié,  La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei », 80,  Paris, Cerf, 1974, p. 131.

[21] Ibid., p. 243.

[22] Jürgen MOLTMANN, Le Dieu crucifié,  La Croix du Christ comme fondement et critique de la théologie chrétienne, coll. « Cogitatio Fidei », 80,  Paris, Cerf, 1974, p. 227.

[23] Jürgen MOLTMANN, Trinité et Royaume de Dieu. Contributions au traité de Dieu, coll. « Cogitatio fidei » 123, Paris, Cerf, 1984, p. 108.

[24] Jürgen MOLTMANN, Jésus, le Messie de Dieu, Paris, Cerf, 1993, p. 248.

[25] Ở đây, để đi xa hơn một chút, chúng ta có thể nghĩ đến Hans Urs Von Balthasar. Khi nói đến Balthasar, chúng ta thường nghĩ ngay đến một nền thần học Ba Ngôi bắt đầu từ vẻ đẹp của Thập giá. Truyền thống suy tư thần học về Thiên Chúa nói chung bắt đầu với Thiên Chúa duy nhất rồi đến Ba Ngôi. Nhưng nhà thần học Balthasar dường như không theo lối suy nghĩ truyền thống này. Tư duy thần học của ông bắt đầu với việc nghĩ về Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ và sau đó chuyển sang một số hiểu biết về Chúa Ba Ngôi nội tại. Với sự suy tư sâu sắc về mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô, qua đó mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ mặc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nội tại, Balthasar đã làm sáng tỏ điều này: trong thân phận con người, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, đã kinh nghiệm thập giá, kinh nghiệm sợ hãi, đau khổ. Hans Urs von Balthasar dường như là người xác định rõ nhất thần học về thập giá và Chúa Ba Ngôi. Hans Urs von Balthasar, sau khi đã suy tư sâu sắc về cả thần học lẫn thần bí học, đã phát triển một nền thần học liên kết chặt chẽ Ba Ngôi với Thập Giá: “Ai nói về Nhập Thể là đã nói về Thập Giá rồi”. Đối với Balthasar, Thiên Chúa Ba Ngôi tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Chịu Đóng Đinh; chính ở đó Thiên Chúa Ba Ngôi biểu lộ chính mình một cách trọn vẹn.

[26] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 103.

[27] Ibid., p. 104.

[28] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 105.

[29] Ibid., p. 105.

[30] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 102.

[31] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 101-102.

[32] Ibid., p. 111.

[33] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 106-107.

[34] Ibid., p. 108.

[35] Karl RAHNER, Dieu Trinité, Fondement transcendant de l’histoire du salut, Paris, Cerf, 1999, p. 110.

[36] Yves CONGAR, Je crois en l’Esprit Saint, Paris, Cerf , 2002, p. 554.